Thông thường, những năm trước đây, nông dân Diễn Châu chỉ nuôi được 2 vụ tôm/năm, sản lượng chỉ đạt trung bình 3 tấn/ha. Tuy nhiên với việc ứng dụng công nghệ cao, không chỉ đảm bảo an toàn về dịch bệnh, tăng sản lượng mà còn tăng vụ nuôi lên gấp đôi so với cách nuôi truyền thống.
Người dân Diễn Trung thu hoạch tôm
Nếu như trước đây, sau mỗi vụ nuôi tôm anh Nguyễn Văn Cường – xã Diễn Trung phải dành thời gian cả tháng trời để phơi ao, xử lý mầm bệnh, đồng thời phải chọn được thời điểm nước biển sạch mới đưa vào ao … nên mỗi năm anh chỉ nuôi được 2 vụ. Tuy nhiên khi ứng dụng công nghệ cao vào 4 ha ao nuôi tôm theo công nghệ khép kín 3 giai đoạn, có mái che tự động điều hòa nhiệt độ, anh đã nuôi được 4 vụ/năm. Nhờ thâm canh gối vụ nên trong đầm lúc nào cũng có tôm để bán nên không rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Mỗi năm trừ chi chí anh lãi từ 5-6 tỷ đồng.
Những đầm tôm ứng dụng công nghệ cao
Anh Nguyễn Văn Cường cho biết: “Nuôi bây giờ 3-4 giai đoạn, làm cũng khó khăn, đầu tư mô hình cũng tốn kém nhưng hiệu quả thì rõ rệt, chủ động được thời tiết, mùa vụ chủ động được, không phụ thuộc theo thời tiết nữa”.
Tuy mới thu hoạch tôm bán vào dịp tết nhưng đến nay, anh Mai Quang Hùng xã Diễn Vạn đã có lứa tôm mới, hơn 1 tháng nữa là cho thu hoạch. Với 3000m2 ao nuôi, anh thả mật độ dày với 50 vạn con giống, tuy nhiên nhờ ứng dụng nuôi công nghệ vi sinh, khoan giếng lấy nước ngầm sạch, ươm tôm theo từng giai đoạn nên tuy thời tiết hiện nay không thuận lợi nhưng tôm tỷ lệ sống cao, ao nuôi chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh.
Đầm tôm ứng dụng nuôi công nghệ vi sinh của anh Mai Quang Hùng xã Diễn Vạn
Anh Mai Quang Hùng nói: “Diện tích năng suất vụ 1 thì bao giờ cũng nhiều hơn vụ trái, thời tiết ấm hơn, môi trường thuận lợi, con tôm phát triển hơn, vụ đông thời gain dài và có bất cập thời tiết làm con tôm biến động nhưng nuôi bể nổi này thì quay vòng liên tục không tính mùa vụ”
Hiện huyện Diễn Châu duy trì 160 ha nuôi tôm. Năm 2018, từ một vài mô hình thí điểm, đến nay Diễn Châu đã có 6 mô hình tôm bể nổi và 25 mô hình nhà kín với diện tích hơn 50ha...Qua thực tế, việc chọn nuôi tôm công nghệ cao đã đảm bảo 3 mục tiêu: Tôm tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao và tăng số vụ nuôi. Cùng với tạo điều kiện về đất đai, huyện Diễn Châu cũng thu hút các nguồn vốn hỗ trợ về nông thôn mới, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền hàng tỷ đồng, cùng với đó là công tác khuyến nông giúp bà con nuôi tôm chuyển đổi mô hình.
Ông Phan Xuân Vinh – Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Nuôi tôm thể chân trắng trên cát theo hướng công nghiệp, bán thâm canh, thâm canh hết sức hiệu quả. Để đáp ứng nâng cao sản lượng chúng ta cần có quy trình sản xuất tiên tiến, đặc biệt là quy trình nuôi 2-3 giai đoạn. cần tập huấn, hướng dẫn kỹ lưỡng hơn để cùng diện tích nuôi đó sẽ gia tăng hiệu quả hơn”.
Nghề Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được xem là một sự lựa chọn phù hợp đối với nông dân Diễn Châu. Dự kiến đến năm 2025, nuôi tôm công nghệ cao sẽ chiếm 50% diện tích ao nuôi, và xem đây là hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi trồng thủy sản.
Mai Giang – Lê Đồng
Trung tâm VHTT&TT Diễn Châu